Nhằm thúc đẩy sự tích luỹ, tái đầu tư và gia tăng nguồn thuế cho những năm sau, Bộ tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ còn 17%, doanh nghiệp siêu nhỏ còn 15%.
>> Từ một doanh nghiệp siêu nhỏ, Shark Phú đã làm gì để đưa Sunhouse trở thành tập đoàn lớn?
>> 6 bí kíp giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ khởi nghiệp thành công
>> Chi phí kế toán và chi phí tính thuế khác nhau như thế nào?
Tại Dự thảo Nghị quyết quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp vừa qua, Bộ tài chính đã đưa ra những đề xuất mang ý nghĩa quan trọng đối với hộ, cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
1. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ
Thuế suất hiện tại đang áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là 20%. Thuế suất này được áp dụng đối với doanh nghiệp nói chung.
Tuy nhiên, Bộ tài chính cho thấy, đề thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì chính sách thuế cũng cần phải cởi mở hơn, nhất là đối với những loại doanh nghiệp này, thuế suất cần có mức áp dụng riêng.
Cụ thể, mức thuế suất được Bộ tài chính đề xuất như sau:
- Mức thuế suất 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ – doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người – mức thuế suất là 15%.
- Mức thuế suất 17% đối với doanh nghiệp nhỏ – doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
2. Miễn thuế 2 năm đối với hộ, cá nhân kinh doanh mới lên doanh nghiệp
Bên cạnh đề nghị giảm thuế trên, Bộ tài chính cũng đưa ra đề xuất để khuyến khích hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp và Bộ cũng đưa ra những đề xuất riêng dành cho đối tượng này.
Cụ thể, đối với hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Sau thời gian miễn thuế này, trường hợp doanh nghiệp mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), doanh nghiệp thực hiện mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với điều kiện thực tế của doanh nghiệp theo quy định.
3. Những trường hợp không được áp dụng thuế suất trên
Bộ tài chính cũng chỉ ra những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không được áp dụng thuế suất trên. Cụ thể bao gồm những trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trừ nhà ở xã hội quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp), thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam;
- Trường hợp 2: Thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí, tài nguyên quý hiếm khác và thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản;
- Trường hợp 3: Thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;
- Trường hợp 4: Công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thuộc các đối tượng quy định tại Nghị quyết này.
Bộ tài chính tính toán rằng, việc giảm thu thuế suất sẽ gây áp lực lên cân đối ngân sách, cụ thể giảm thu khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, Bộ tài chính cũng khẳng định rằng đây sẽ là động lực để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước vào những năm sau.
>> Từ một doanh nghiệp siêu nhỏ, Shark Phú đã làm gì để đưa Sunhouse trở thành tập đoàn lớn?
>> 6 bí kíp giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ khởi nghiệp thành công
>> Chi phí kế toán và chi phí tính thuế khác nhau như thế nào?