Ngày 8/8/2019, trong khuôn khổ Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam ICT Summit 2019 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”, MISA đã ra mắt hệ sinh thái các nền tảng kế toán và quản trị doanh nghiệp giúp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trong đó nền tảng kết nối doanh nghiệp với kế toán dịch vụ MISA StartBooks được đánh giá là nền tảng tiên phong trong chuyển đổi số tại Việt Nam.
“Chuyển đổi số” đang là cụm từ được các doanh nghiệp nhắc nhiều trong những năm gần đây. Hiện nay, có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Nhưng cơ bản các định nghĩa đều thống nhất, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội, giúp GDP Việt Nam có thêm 162 tỷ USD
Nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
Tác động của việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nguồn: Microsoft
Nghiên cứu của Tổ chức Data 61 (Australia) cho rằng GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công. Trong sự biến chuyển này, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số và chuyển đổi số không thể không nằm gắn liền với lợi ích của các doanh nghiệp.
Vì thế, người đứng đầu Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh tại Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam ICT Summit 2019 rằng: “Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể đưa ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại ICT Summit 2019
MISA Startbooks – Nền tảng kết nối doanh nghiệp với kế toán dịch vụ đầu tiên tại Việt Nam
Tính đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong thời gian tới sẽ dần thực hiện chuyển đổi mô hình sang thành lập doanh nghiệp. Khi đó, việc kê khai thuế và hoạt động quản trị tài chính sẽ phát sinh. Thêm vào đó, hiện nay, Việt Nam hiện có hơn 700,000 doanh nghiệp nhưng hầu hết không có bộ phận kế toán riêng mà phải đi thuê ngoài dịch vụ này. Các doanh nghiệp Việt đang đứng trước thách thức vô cùng lớn về việc chuyển đổi số ra sao và như thế nào để quản trị tài chính và quản trị doanh nghiệp thành công?
Nhận lấy sứ mệnh góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Công ty Cổ phần MISA, đơn vị với 25 năm kinh nghiệm, đã tiên phong phát triển nhiều nền tảng: Nền tảng kết nối doanh nghiệp với kế toán dịch vụ MISA StartBooks, Nền tảng hóa đơn điện tử meInvoice.vn và Nền tảng quản trị doanh nghiệp AMIS.VN với mong muốn mang lại lợi ích tối đa cho các bên tham gia.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ ba từ trái sang) và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai từ trái sang) chúc mừng MISA tiên phong phát triển nền tảng kế toán và phát triển doanh nghiệp tại Vietnam ICT Summit 2019.
Trong đó, Nền tảng kế toán MISA StartBooks sẽ giúp một người kế toán dịch vụ có thể cùng lúc phục vụ cho nhiều doanh nghiệp một cách dễ dàng hơn, trước đây làm được cho 20 doanh nghiệp thì nay làm được cho 120 doanh nghiệp. Như vậy, không chỉ bản thân người kế toán dịch vụ nâng cao năng suất, mà doanh nghiệp có thể quản lý hoạt động tài chính rõ ràng, khoa học giúp mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn; cơ quan Nhà nước sẽ có số liệu quản lý minh bạch. Thông qua việc mang lại lợi ích cho nhiều bên, nền tảng này sẽ giúp tạo ra nhiều lợi nhuận cho xã hội, gia tăng tỷ lệ đóng góp GDP của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: “MISA – một công ty CNTT về phần mềm kế toán đã đầu tư một nền tảng để những người làm kế toán chuyên nghiệp có thể cung cấp dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ. Khi đó quá trình chuyển đổi số về kế toán của doanh nghiệp sẽ diễn ra rất nhanh, đồng thời cũng kích thích các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp vì không phải đi thuê kế toán viên – vốn là việc rất khó, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.