Thông qua việc phân tích các chỉ tiêu của bảng cân đối kế toán, ta có thể xác định được tình hình và cơ cấu tài sản, nguồn vốn, khả năng tự chủ tài chính, hiệu quả sử dụng vốn,… của doanh nghiệp.
>> Cách đọc báo cáo tài chính siêu tốc chỉ với 03 biểu mẫu
>> Tổng hợp các hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ theo Thông tư 132/2018/TT-BTC
>> Doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định theo những tiêu chí nào?
1. Bảng cân đối kế toán là gì?
Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính tổng quát, phản ánh tình hình tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
Thông qua việc phân tích các chỉ tiêu của bảng cân đối kế toán, ta có thể xác định được tình hình và cơ cấu tài sản, nguồn vốn, khả năng tự chủ tài chính, hiệu quả sử dụng vốn,… của doanh nghiệp.
2. Các chỉ tiêu phân tích bảng cân đối kế toán thông dụng
- Hệ số nợ
Hệ số nợ = Tổng nợ phải trả/Tổng tài sản
Hệ số nợ cho biết các khoản nợ của doanh nghiệp tài trợ bao nhiêu tài sản của doanh nghiệp. Nếu hệ số này quá cao chứng tỏ gánh nặng về nợ là quá lớn, tuy nhiên nếu hệ số này quá thấp sẽ phản ánh hiệu quả sử dụng nợ của doanh nghiệp chưa cao.
Ngoài ra, hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu cũng là một hệ số thông dụng để đánh giá rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Nếu hệ số này thấp chứng tỏ khả năng tự chủ của doanh nghiệp cao, rủi ro tài chính thấp và ngược lại.
- Hệ số khả năng thanh toán
– Khả năng thanh toán ngắn hạn = Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn / Nợ ngắn hạn
Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn cho thấy năng lực thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Hệ số này càng cao thì khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp càng lớn, rủi ro tài chính của doanh nghiệp càng nhỏ.
– Khả năng thanh toán nhanh = (Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn – hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn
Hệ số khả năng thanh toán nhanh cho thấy khả năng của doanh nghiệp trong việc thanh toán hết các khoản nợ ngắn hạn trong thời gian ngắn (do đã loại trừ đi hàng tồn kho là yếu tố có tính thanh khoản thấp). Hệ số này càng cao chứng tỏ khả năng thanh toán của doanh nghiệp càng được đảm bảo.
– Hệ số thanh toán tiền mặt = Tiền và các khoản tương đương tiền / Nợ ngắn hạn
Do tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất, chính vì vậy hệ số này chứng tỏ khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp ngay lập tức. Hệ số thanh toán tiền mặt càng cao thì rủi ro thanh toán càng thấp, tuy nhiên nếu hệ số này cao quá cũng chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp chưa tốt.
- Các chỉ tiêu phân tích cơ cấu tài sản
Tài sản ngắn hạn/Tổng tài sản và Tài sản dài hạn/Tổng tài sản là 2 chỉ tiêu cơ bản nhất trong phân tích cơ cấu tài sản. Chúng cho biết tỉ trọng của từng loại tài sản trong tổng tài sản của doanh nghiệp. Tùy vào từng ngành kinh doanh mà tỉ trọng này sẽ khác nhau. Khi phân tích bảng cân đối kế toán, bạn cần phải so sánh tỉ trọng này với đặc điểm ngành nghề kinh doanh để rút ra kết luận về tính hợp lý về cơ cấu tài sản của doanh nghiệp.
- Các chỉ tiêu phân tích cơ cấu nguồn vốn
Cũng như phần tài sản, 2 hệ số cơ bản nhất khi phân tích cơ cấu nguồn vốn là Nợ phải trả/ Nguồn vốn và Vốn chủ sở hữu/Nguồn vốn. Hai chỉ tiêu này sẽ cho thấy khả năng tự chủ tài chính và thể hiện rủi ro tài chính của doanh nghiệp.
Ngoài ra bạn cũng có thể phân tích tỉ lệ nợ ngắn hạn và nợ dài hạn trên tổng nợ phải trả để thấy được rõ hơn cơ cấu nợ của doanh nghiệp.
- Các chỉ tiêu phân tích tình hình công nợ
– Tỉ lệ các khoản phải thu so với các khoản phải trả = (Các khoản phải thu/các khoản phải trả) x 100%
Hệ số này cho biết tỉ lệ giữa vốn chiếm dụng và vốn bị chiếm dụng của doanh nghiệp. Nếu tỉ lệ này lớn hơn 100% có nghĩa là doanh nghiệp đang đi chiếm dụng nhiều hơn bị chiếm dụng và ngược lại
* Số vòng quay các khoản phải thu và số vòng quay các khoản phải trả
Số vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu thuần / Các khoản phải thu bình quân
Số vòng quay các khoản phải trả = Doanh thu thuần / Các khoản phải trả bình quân
Doanh thu thuần là số liệu được lấy trên báo cáo kết quả kinh doanh. Hai chỉ tiêu này cho biết hiệu quả của việc thu hồi nợ và hiệu quả của việc thanh toán nợ. Số vòng quay lớn chứng tỏ doanh nghiệp thu hồi nợ kịp thời hoặc thanh toán nợ kịp thời, đạt hiệu quả cao
* Thời gian thu tiền bình quân và thời gian trả tiền bình quân
Thời gian thu tiền bình quân = Thời gian của kỳ phân tích / Số vòng quay các khoản phải thu
Thời gian trả tiền bình quân = Thời gian của kỳ phân tích / Số vòng quay các khoản phải trả
Thời gian thu tiền hay trả tiền càng ngắn chứng tỏ tốc độ thu hồi tiền hay thanh toán tiền của doanh nghiệp càng nhanh.
Thời gian thu tiền ngắn chứng tỏ doanh nghiệp ít bị chiếm dụng vốn, tuy nhiên nếu thời gian này quá ngắn tức là chính sách bán chịu của doanh nghiệp quá chặt chẽ, gây khó khăn cho người mua.
Thời gian trả tiền ngắn chứng tỏ doanh nghiệp thanh toán các khoản phải trả nhanh, làm tăng uy tín của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu thời gian thanh toán quá ngắn tức là số vốn doanh nghiệp chiếm dụng được sẽ hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tài chính cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, với những chỉ tiêu cơ bản trên, bạn đã có thể dễ dàng đánh giá được tổng quan về tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua việc phân tích bảng cân đối kế toán. Tùy theo mục đích phân tích, các kế toán có thể đi sâu hơn vào các chỉ tiêu trong từng khoản mục để có được những đánh giá chi tiết hơn.
>> Cách đọc báo cáo tài chính siêu tốc chỉ với 03 biểu mẫu
>> Tổng hợp các hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ theo Thông tư 132/2018/TT-BTC
>> Doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định theo những tiêu chí nào?