Một CV xin việc chỉn chu, khoa học sẽ làm nổi bật ưu điểm của bạn và khiến nhà tuyển dụng ấn tượng. Vì kiến thức kế toán của bạn có tốt đến đâu nhưng CV không làm nổi bật được điều đó thì CV của bạn cũng sẽ bị “chìm” trong rất nhiều CV của ứng viên khác đặc biệt với ứng viên mới ra trường. Vậy đối với một kế toán chưa có kinh nghiệm thì nên viết những gì vào CV của mình để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng?
>> Mức lương của kế toán hiện nay là bao nhiêu?
>> Người học kế toán cần biết những gì về phần mềm kế toán
>> Kế toán nên học trường nào tại Hà Nội?
1. Thông tin cá nhân và trình độ học vấn
Phần này bạn hãy ghi những thông tin cơ bản một cách trung thực và chi tiết. Về phần trình độ học vấn, cần ghi rõ tốt nghiệp trường gì, loại gì. Nếu điểm GPA của bạn ấn tượng thì cũng có thể đưa vào trong CV. Ngoải ra, nếu bạn có những chứng chỉ bên ngoài thì cũng ghi một cách đầy đủ vào trong CV, dù cho chúng có liên quan đến chuyên ngành kế toán hay không. Hãy sắp xếp những chứng chỉ, bằng cấp theo thứ tự các mốc thời gian. Để các nhà tuyển dụng tiện theo dõi. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm làm kế toán, những chứng chỉ này sẽ giúp nhà tuyển dụng có thể đánh giá được năng lực của bạn chính xác hơn.
2. Mục tiêu của bản thân
Phần mục tiêu của bản thân, hãy chia thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn hãy nêu cụ thể và chi tiết chứ không nên chung chung và đại khái. Đừng rụt rè vì bạn là kế toán chưa có kinh nghiệm, hãy đặt ra mục tiêu dài hạn lớn lao như trở thành kế toán trưởng hay giám đốc. Điều này sẽ chứng tỏ bạn là người có kế hoạch, có tầm nhìn dài hạn và tự tin vào năng lực của mình.
3. Kinh nghiệm làm việc
Đây là phần khó khăn nhất đối với kế toán chưa có kinh nghiệm. Nhiều bạn không biết viết gì vào phần này bởi chưa từng làm kế toán ở đâu cả. Tuy nhiên, đừng để mục này sơ sài vì chúng sẽ khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Hầu hết các kế toán trước khi ra trường đều được đi thực tập. Chính vì vậy, đây là một thông tin hữu ích bạn có thể ghi vào CV xin việc. Ngoài việc ghi nơi và vị trí thực tập, hãy liệt kê các công việc bạn đã làm và các kỹ năng bạn đã học được, điều này cho nhà tuyển dụng thấy rõ hơn khả năng làm việc của bạn.
Hãy liệt kê những công việc khác bạn làm dù cho chúng không liên quan gì đến ngành kế toán. Và cũng đừng quên đề cập đến những kỹ năng bạn học được từ công việc đó mà có thể phục vụ cho công việc kế toán sau này. Ví dụ nếu bạn làm nhân viên thu ngân tại quán trà sữa thì có thể ghi rằng đã có kinh nghiệm quản lý tiền, quản lý sổ sách.
Thời gian hoạt động ở các câu lạc bộ và các hoạt động ngoại khóa cũng có thể được bạn tận dụng để ghi vào CV. Hãy nhấn mạnh mình đã làm những công việc gì ở các câu lạc bộ, từ đó nêu ra đã rèn luyện được sự năng động, sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo,… Đây đều là những kỹ năng và phẩm chất có ích cho công việc kế toán sau này.
Nếu bạn đã học các khóa học bên ngoài, đừng ngại cho chúng vào phần này. Đó có thể là những khóa học liên quan đến kế toán, kinh tế, tài chính, những khóa học tiếng anh, tin học hay những khóa học kỹ năng sống. Một lần nữa, đừng quên nêu ra những gì bản thân đã học được qua những khóa học đó.
Cuối cùng, khi đã “cạn kiệt” ý tưởng, bạn cũng có thể nêu ra những môn học đã được học ở trường kèm theo những kỹ năng học được từ những môn học đó. Ví dụ đã thành thạo việc lập báo cáo tài chính qua môn “kế toán tài chính” hay đã biết lập báo cáo thuế qua môn “Thuế”. Tuy chỉ là giải pháp “chống chế” nhưng dù sao chúng cũng có ích phần nào.
4. Kỹ năng của bản thân
Đây là phần bạn tự nêu ra và đánh giá về kỹ năng của bản thân mình để nhà tuyển dụng có thể đánh giá khái quát về khả năng làm việc của bạn. Hãy nêu ra những kỹ năng cần thiết nhất trong ngành kế toán như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng tổ chức,… Dù bạn là kế toán chưa có kinh nghiệm nhưng những kỹ năng này sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có những tố chất phù hợp để có thể làm tốt công việc kế toán.
5. Thông tin bổ sung
Phần này bạn có thể nói về điểm mạnh, điểm yếu và sở thích của bản thân. Hãy nêu ra những điểm mạnh như trung thực, chịu được áp lực công việc, tỉ mỉ, chi tiết vì chúng đều cần thiết để trở thành kế toán giỏi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nêu những mong muốn của bản thân như môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến,… Điều này vừa khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn sâu sắc hơn về bạn, vừa cho thấy bạn là người thẳng thắn và có chính kiến.
6. Hãy chọn mẫu CV ấn tượng
Mỗi ngày, nhà tuyển dụng phải tiếp nhận rất nhiều CV xin việc từ các ứng viên. Chính vì vậy, một CV ấn tượng và nổi bật sẽ giúp bạn gây được sự chú ý với công ty. Hiện tại bạn có thể tìm kiếm và tải nhiều mẫu CV đa dạng trên internet, vì vậy hãy chọn cho mình một mẫu CV đẹp và phù hợp nhất với bản thân để sử dụng nhé.
>> Mức lương của kế toán hiện nay là bao nhiêu?
>> Người học kế toán cần biết những gì về phần mềm kế toán
>> Kế toán nên học trường nào tại Hà Nội?