Trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam tăng tới 54.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn lên đến 669.7 nghìn tỷ đồng. Tuy số lượng tăng lớn, nhưng các doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn đã và đang vấp phải các khó khăn nhìn thấy rõ trước mắt và cần một cơ chế thoáng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
>> Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15% đến 17% cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
1. Cách tiếp cận vốn với doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng, hoặc tổng số vốn không quá 3 tỷ đồng. Còn doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tổng doanh thu hàng năm không quá 10 tỷ đồng, hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Tình trạng các doanh nghiệp phá sản, không thu hồi được nguồn vốn diễn ra khá phổ biến. Các doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam thường không có chiến lược trong việc phân bổ nguồn lực tài chính gây ra tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, không nhịp nhàng với quy trình sản xuất kinh doanh.
Hiện tại thì Bộ Tài chính đã và đang có những chính sách về thuế, về cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ. Thông qua hệ thống Ngân hành Chính sách Xã hội Việt Nam, nhiều chương trình, dự án tín dụng chính sách được thực hiện như: Chương trình cho vay phát triển hộ gia đình; Hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; Chương trình cho vay thương nhân hoạt động tại vùng kinh tế khó khăn miền núi… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách được tiếp cận vay vốn để duy trì, phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, doanh nghiệp phải có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước thông qua Quỹ Phát triển DNNVV. Hướng dẫn cơ chế tài chính cho Quỹ phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực ưu tiên nếu đáp ứng đủ điều kiện thì vay vốn tại Quỹ với mức vay vốn tối đa là 30 tỷ đồng, lãi suất vay 7%/năm, thời hạn vay tối đa 7 năm.
2. Chính sách thuế doanh nghiệp nhỏ bị “ngó lơ”
Theo phân tích của một số chuyên gia, các cơ quan chức năng cũng ít quan tâm đến ý kiến về thủ tục thuế của một doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng lại để ý đến ý kiến của một tập đoàn lớn về chuyện thuế của họ. Bởi vì quy mô siêu nhỏ nên những doanh nghiệp này đang bị “ngó lơ”.
Để hỗ trợ và khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, các công cụ kế toán, kiểm toán cũng được Bộ Tài chính kịp thời hoàn thiện và triển khai áp dụng cho các DN theo hướng tiệm cận với Chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán. Đối với DN khởi nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các quy định về chế độ kế toán riêng cũng được nghiên cứu để ban hành đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế – tài chính và phù hợp với khả năng trình độ của cán bộ trong DN. Theo đó, báo cáo tài chính của các DN siêu nhỏ được hướng dẫn đơn giản, gọn nhẹ giúp DN dễ thực hiện, góp phần tiết kiệm chi phí kế toán và tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, DN khởi nghiệp cũng được hỗ trợ thông qua mô hình phát triển vườn ươm DN trong một số lĩnh vực ưu tiên, chủ yếu tập trung vào DN thành lập mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Kinh phí thành lập và hoạt động các vườm ươm công lập được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như Vườn ươm Phú Thọ (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh); Vườn ươm CRC (Đại học Bách Khoa Hà Nội); Vườn ươm khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Vườm ươm DN (công viên phần mềm Quang Trung TP. Hồ Chí Minh)…
3. Về tư tưởng, định hướng của doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam
Thời gian đầu mới thành lập, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động khá tốt và cũng có tầm nhìn chiến lược. Các chuyên gia cũng nhận định rằng, khối doanh nghiệp siêu nhỏ, chưa quyết đoán trong việc ra quyết định đầu tư nên không ít hộ sử dụng không hiệu quả các nguồn vốn huy động được. Các hộ kinh doanh thường bỏ qua các quy luật của thị trường, chưa có chiến lược kinh doanh tốt.
Có một thực tế nữa là doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ phát triển trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô mà thường tập trung vào các vấn đề như: lựa chọn mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng, ổn định, củng cố thị trường đã có, hoặc phát triển thị trường từng bước và có khâu lọc, điểm đột phá thuận lợi nhất.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu sự hỗ trợ các cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn đang phải “tự bơi” giữa những thách thức đang liền kề.