Trong phỏng vấn xin việc kế toán, các nhà tuyển dụng không hề hỏi những câu hỏi không có ý nghĩa mà các câu hỏi đều được xây dựng để kiểm tra một tiêu chí nhất định mà công ty đề ra. Chính vì vậy, việc nắm rõ những loại câu hỏi và mục đích hỏi của nhà tuyển dụng sẽ khiến các ứng viên khéo léo hơn trong câu trả lời của mình.
>> Làm kế toán bán thời gian, lựa chọn của nhiều sinh viên
>> Kế toán là gì? Có bao nhiêu loại kế toán trong doanh nghiệp?
>> Người học kế toán cần biết những gì về phần mềm kế toán
1. Loại câu hỏi kiếm tra tính cách, phẩm chất
- Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình.
- Bạn tự đánh giá mình là người như thế nào?
- Bạn đánh giá đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình?
Những câu hỏi trên sẽ được nhà tuyển dụng dùng để xem các ứng viên tự đánh giá về bản thân mình như thế nào. Qua đó, nhà tuyển dụng có thể biết sơ lược về tính cách của ứng viên cũng như đánh giá ứng viên đó có phải là một người tự tin, trung thực hay không.
- Theo bạn, tố chất nhân viên kế toán cần có là gì?
- Theo bạn, kỹ năng nào là quan trọng nhất của nhân viên kế toán?
- Vì sao chúng tôi nên chọn bạn cho vị trí này?
Đây là những câu hỏi bạn thường xuyên gặp trong những buổi phỏng vấn xin việc kế toán. Ngoài việc kiểm tra những quan điểm của bạn về nghề kế toán, thông qua câu trả lời của bạn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được đâu là tố chất và kỹ năng mà bạn mạnh và bạn đánh giá là quan trọng. Thông thường, ứng viên sẽ trả lời ưu tiên vào những phẩm chất, kỹ năng là điểm mạnh của bản thân.
2. Loại câu hỏi kiểm tra kiến thức về công ty
- Tại sao bạn lại ứng tuyển vào công ty chúng tôi?
- Bạn đã biết gì về công ty chúng tôi?
Trong những buổi phỏng vấn, đây là những câu hỏi được đặt ra để kiểm tra sự hiểu biết của ứng viên về công ty. Trước khi đi phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu về công ty và vị trí mình ứng tuyển để có thể trả lời những câu hỏi này trôi chảy. Việc bạn tìm hiểu kỹ về công ty sẽ chứng tỏ bạn nghiêm túc với buổi phỏng vấn và thực sự muốn làm việc tại công ty đó. Điều này sẽ khiến bạn phần nào ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
3. Câu hỏi kiểm tra về mục tiêu và động lực
- Vì sao bạn lại quyết định đi theo ngành kế toán?
- Bạn định gắn bó với nghề kế toán trong bao lâu?
- Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong tương lai là gì?
Qua những câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra động lực làm việc của bạn cũng như tầm nhìn của bạn trong tương lai. Một nhân viên có hứng thú và có mục đích khi làm việc chắc chắn sẽ nghiêm túc, tận tâm và hoàn thành công việc tốt hơn. Chính vì vậy, đừng quên chuẩn bị phương án trả lời ấn tượng cho những câu hỏi này nhé.
4. Câu hỏi kiểm tra kiến thức chuyên môn
Những câu hỏi kiểm tra kiến thức chuyên môn chắc chắn không thể thiếu trong một buổi phỏng vấn xin việc kế toán. Những câu hỏi này thường rất đa dạng và tùy theo kiến thức mà nhà tuyển dụng muốn kiểm tra các ứng viên của mình:
- Bạn biết gì về các nguyên tắc kế toán?
- Bạn biết gì về các báo cáo tài chính?
- Bạn đã sử dụng những phần mềm kế toán nào?
- Bạn sử dụng excel để hỗ trợ công việc kế toán như thế nào?
Trong kiến thức chuyên môn kế toán, nhà tuyển dụng có thể hỏi bất cứ câu hỏi nào. Do đó bạn nên cố gắng nắm vững các nghiệp vụ cơ bản và quan trọng để có thể trả lời tốt những câu hỏi này. Nếu có câu hỏi nào bạn không thể trả lời, hãy thẳng thắn rằng vấn đề này bạn chưa tìm hiểu. Đừng trả lời một cách bừa bãi vì nhà tuyển dụng có thể đánh giá không tốt về bạn đấy.
Ngoài ra, bạn ứng tuyển vào phần hành kế toán nào thì nhà tuyển dụng sẽ có xu hướng đưa ra những câu hỏi liên quan đến phần hành kế toán đó. Chính vì vậy hãy nắm chắc các nghiệp vụ trong phần hành kế toán mà mình ứng tuyển.
5. Câu hỏi kiểm tra mức độ phù hợp của bạn với công ty
- Tại sao bạn lại rời công ty cũ?
- Bạn mong muốn được làm việc trong môi trường thế nào?
- Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?
- Bạn có thể đi làm từ ngày nào?
Những câu hỏi như trên sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá bạn có phù hợp với công ty hay không. Hãy thẳng thắn chia sẻ những mong muốn của bạn với nhà tuyển dụng. Nếu nhà tuyển dụng hài lòng về bạn, chắc chắn họ sẽ không ngại đáp ứng những yêu cầu của bạn.
>> Làm kế toán bán thời gian, lựa chọn của nhiều sinh viên
>> Kế toán là gì? Có bao nhiêu loại kế toán trong doanh nghiệp?
>> Người học kế toán cần biết những gì về phần mềm kế toán